Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Những điều trường học không dạy bạn: Sống sót ở Sài Gòn

Những điều trường học không dạy bạn: Sống sót ở Sài Gòn

Sống sót ở Sài Gòn

Và những thành phố (lớn) khác.

Trường học là nơi dạy chúng ta những điều hay lẽ phải. Tuy nhiên lại thiếu hẳn hoặc cung cấp mờ nhạt những kiến thức để tồn tại ngoài xã hội lắm biến cố. Chưa nói đến những kỹ năng sống còn quá cao siêu, nội những thủ thuật để tồn tại ở những thành phố lớn như Sài Gòn là một điều hết sức gần gũi cũng không thấy ai nói đến.

Thử nghĩ xem, bạn sẽ làm gì nếu như:

1. Mắc kẹt trong thang máy

Kẹt trong thang máy là chuyện khá đáng sợ. Nhất là khi bạn là fan trung thành của những bộ phim kinh dị ma quái. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đời không giống và bạn vẫn có khả năng thoát ra nếu nắm vững một số thủ thuật sau:

  • Giữ bình tĩnh. Đây là câu thần chú trong mọi tình huống. Chấp nhận thực tế rằng mình đang lâm nạn và mình cần phải tìm cách thoát ra. Và chỉ khi bạn bình tĩnh, bạn mới nghĩ ra cách. Hãy nhớ, tháng máy ngoài đời sẽ không rớt cái ầm xuống như trong phim.
  • Hít thở đều. Tránh thở gấp. Bạn không biết bạn sẽ mắc kẹt trong bao lâu nên bạn để dành càng nhiều oxy càng tốt.
  • Tìm nguồn sáng. Nếu thang máy tối om, hãy tìm một nguồn sáng. Điện thoại chẳng hạn. Tắt tất cả những ứng dụng thừa để tiết kiệm pin tối đa.
  • Đừng cố gắng thoát bằng nắp thang máy. Đừng chơi mạo hiểm. Nếu không có kịch bản thì hành động này trở thành trò chơi ngu. Thoát bằng nắp thang máy là cực kỳ nguy hiểm. Nhỡ như lúc bạn vừa ra khỏi, thang máy bỗng dưng hoạt động trở lại. Nếu nó đi xuống, bạn sẽ ngã. Nếu nó đi lên, nhiều khi bạn sẽ chết dí. Nhiều thang máy có tốc độ rất nhanh.
  • Tìm camera. Thang máy thường có camera. Luôn đứng hướng về camera để mọi người có thể quan sát bạn. Chú ý luôn giữ bình tĩnh. Đừng làm gì đáng xấu hổ để camera ghi lại nhé.
  • Nhấn nút. Thử tất cả các nút của các tầng. Nếu không nút nào hoạt động. Thử tiếp nút mở cửa.
  • Nhìn qua khe. Nếu thấy ánh sáng, rất có thể bạn đang ở tầng lầu nào đó. Hãy ra giấu bằng cách la to lên “Cứu! Thang máy hư!” Càng cụ thể càng tốt. Gỡ giày ra và phang thật mạnh vào tường thang máy. Nhấn nút cấp cứu. Làm bất cứ thứ gì để gây chú ý. Nếu bên ngoài tối om, bạn đang kẹt giữa các tầng. Sẽ rất khó có người nghe thấy tiếng kêu la của bạn vì vậy hãy giữ sức, đừng hét, đừng đập, chỉ nhấn đi nhấn lại nút cấp cứu thôi.
  • Kiểm tra đồng hồ. Nếu đã làm mọi cách vẫn không ai nghe. Trời đã tối và mọi người đã rời khỏi tòa nhà. Hãy chuẩn bị tâm lý rằng bạn sẽ phải qua đêm trong buồng thang máy. Đừng ngại đi vệ sinh trong buồng. Tốt nhất là hãy cố gắng ngủ để tiết kiệm năng lượng và oxy.
  • Cuối cùng: luôn giữ bình tĩnh, quan sát, và hy vọng.
  • Liên lạc. Trong lúc điện thoại còn pin và trời còn sáng, hãy kiểm tra xem bạn còn kết nối Wifi hay 4G không. Hãy tranh thủ check facebook, đăng status, đăng hình, tag một người bạn đáng tin cậy và nói rõ tình hình, địa chỉ, và nhờ giúp đỡ. Nếu bạn tag quá nhiều người, họ sẽ ỷ lại và nghĩ rằng sẽ có người khác đi cứu bạn. Nêu đích danh một người sẽ cụ thể hơn. Và nói dại chứ lỡ bạn có việc gì thì làm ma cũng biết về báo oán ai.

2. Bị cưỡng bức

Giai đoạn phòng tránh

  • Nơi nguy hiểm. Tránh tuyệt đối những chỗ tối tăm, nhiều góc khuất, tụ tập nhiều thành phần phức tạp.
  • Thiết bị điện tử. Tuyệt đối tránh đừng để thiết bị di động làm bạn mất tập trung. Nghe nhạc, check facebook,… Luôn để ý khung cảnh xung quanh. Nếu phát hiện có người đang theo dõi, đừng cất điện thoại đi. Hãy ôm chặt vào tai và nói thật lớn những nội dung đại khái như người trong điện thoại đang đi tìm bạn và ở rất gần. Mấy tên yêu râu xanh thường tránh những đối tượng đang nghe điện thoại vì người bên kia đầu dây sẽ nhận ra bạn bị tấn công và báo cảnh sát.
  • Kiểu tóc và trang phục. Chú ý rằng tóc dài, tóc đuôi ngựa, tóc đen thuần túy rất được bọn hãm hiếp ưa chuộng vì dễ nắm, tóm. Tóc ngắn và màu tóc nổi bật sẽ khiến chúng nhụt chí và bỏ qua. Đối với quần áo thì càng dễ cởi và khiêu khích thì càng dễ trở thành nạn nhân. Có lẽ bạn nên đội tóc giả 7 màu và mặc áo giáp sắt khi ra đường. Mái đầu cầu vồng và tiếng kêu lẻng xẻng có lẽ sẽ giúp bạn thoát nạn đấy.
  • Vũ trang. Chuẩn bị sẵn vũ khí trong người nếu có. Bình xịt cay, dao găm,… Tất nhiên là bạn nên biết sử dụng chúng một cách thành thạo. Nếu không nhiều khi bạn sẽ bị chính chúng khống chế. Vũ khí không có tác dụng bằng kỹ năng. Nhiều khi cái ví đầm hay cây dù còn hiệu quả hơn con dao.
  • Tại các quán bars. Giữ ly rượu như giữ vàng. Tuyệt đối không đưa hay nhận ly từ bất cứ ai, trừ khi trực tiếp từ tay bartender. Lấy tay che miệng ly khi chen chúc qua đám đông. Nếu có ai đưa rượu cho uống, hãy giả vờ nhấp môi rồi vào toilet đổ. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
  • Mang chó ra khỏi nhà. Nếu nhà bạn có chó, hãy dẫn nó ra khỏi nhà khi đi đâu đó trong khu xóm. Chó lớn sẽ xua đuổi bọn hấp diêm. Thậm chí chó nhỏ cũng có thể gây ra tiếng ồn và làm bọn chúng từ bỏ ý định.

Giai đoạn tự vệ

  • Gọi cứu viện. Càng cụ thể càng tốt. Hạn chế la “á á” hay văng tục chửi thề. Cũng đừng “cứu tôi với”. Trong thời đại này người ta luôn nghi ngờ liệu đây có phải là dàn cảnh hay không. Nên cách tốt nhất là “Cảnh sát! Gọi cảnh sát đi!” Nhắc đến cảnh sát, kẻ thủ ác vừa sợ hãi mà người đi đường cũng cảm thấy tin tưởng hơn.
  • Để lại dấu vết. Cắn mạnh, cấu rách da, giật tóc, chọc thẳng vào mắt, bóp và nghiến phần hạ bộ, nhận dạng hình xăm, xé toạc khuyên tai,… tìm mọi cách để lưu lại dấu vết của mình trên người hắn hoặc của hắn trên người mình. Những mẫu DNA hay đặc điểm nhận dạng rất có thể sẽ giúp cảnh sát tóm gọn kẻ tội phạm.
  • Sử dụng chiêu SING (Solar Plexus – Instep – Nose – Groin). Theo thứ tự như trên, tấn công vùng mắt, sau đó đạp thật mạnh lên chân, đấm vào mũi, và cuối cùng lên gối vào vùng hạ bộ. Bấy nhiêu đó đủ thời gian cho bạn chạy trốn rồi. Đừng quá hăng máu kẻo bạn mới là người ra hầu tòa nhé.

3. Bị cướp giật

Giai đoạn phòng tránh

  • Nhận diện. Hắn có thể lái xe, hoặc đi bộ. Nhưng thường sẽ là lái xe. Những đối tượng này thường đảo đi đảo lại tại một khu vực, mắt láo liên quan sát, tốc độ tăng giảm đáng ngờ.
  • Địa bàn. Những nơi vắng người qua lại hoặc những cung đường có tốc độ cao, đường nhiều hẻm hóc.

Giai đoạn tự vệ

  • Cách ly. Khi phát hiện có người đang bám theo phải tìm cách cắt đuôi ngay lập tức. Nếu đang ở gần nhà thì về nhà ngay lập tức. Nếu không thì tấp vào hàng quán, trung tâm thương mại,… đặc biệt là những địa điểm có chỗ giữ xe đáng tin cậy vì sẽ có bảo vệ.
  • Quan sát. Nắm đặc điểm nhận dạng của đối tượng. Quần áo, tóc, hình xăm, loại xe,… Bất cứ thứ gì đặc biệt.
  • Tấn công. Nếu đủ tự tin và bản lĩnh để bắt cướp. Bạn có thể chạy sát vào lề phải, quan sát đối tượng qua kính chiếu hậu. Bằng cách này đối tượng khả nghi chỉ có thể tiếp cận bạn từ bên trái. Khi đó bạn đạp xe của hắn, hắn sẽ ngã ra đường và bạn tri hô cho mọi người đến gô cổ hắn lại. Hoặc nếu bạn có ngã thì cũng và lề đường, không mấy nguy hiểm.

Đi trình báo

  • Xác định địa điểm. Còn nếu kế hoạch làm người hùng của bạn thất bại và bạn bị giật mất đồ thì phải bình tĩnh xác định xem mình đang đâu. Đến công an phường để trình báo.
  • Miêu tả. Càng chi tiết càng tốt. Về tài sản của bạn, về đặc điểm nhận dạng của tên cướp, biển số xe, thủ đoạn. Mọi thông tin đều có ích. Có thể công an sẽ không bắt được ngay nhưng biết đâu về sau họ sẽ tóm được kẻ tội phạm hay thậm chí những thông tin của bạn đủ để lập chuyên án cho những băng cướp giật có tổ chức chuyên nghiệp.
nv-author-image

Tân

Hey, Tân đây! Mình tập tành viết blog MinhTan.net để tản mạn những trải nghiệm hay ho và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm Fitness & dinh dưỡng mình góp nhặt trong cuộc sống. Các chủ đề trong Blog của Tân có thể lộn xộn, không đầu không đuôi nhưng sau tất cả đó là cam vị nhân sinh, hy vọng bạn sẽ tận hưởng nó nhé ^^~

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *