Một số người đọc truyền thuyết, truyện dân gian, truyện cổ tích chỉ để giải trí. Một số khác biết cách phân tích, chiêm nghiệm để nhìn ra thế giới quan của người xưa, những tập tục, lối sống của người Việt cổ.
Tấm Cám là một trong những câu chuyện cổ tích ẩn chứa những cái nhìn đa chiều như vậy. Chính vì thế, Tấm Cám luôn là đề tài bàn luận nóng hổi, nhất là cái kết dã man của nó.
“Sau khi nhận ra vợ mình ở quán bà cụ bán hàng nước nhà nghèo, vua cho đón Tấm về cung. Cám thấy chị trẻ đẹp hơn xưa, sinh lòng ghen ghét, ao ước cũng được trắng, được tươi giòn như Tấm. Nó giả vờ như không biết chuyện gì, hỏi Tấm:
– Chị Tấm ơi, chị Tấm, chị dầm sương giãi nắng, đi vắng khá lâu, sao giờ chị trắng?
Tấm đáp:
– Có muốn trắng để chị giúp cho.
Cám hí hửng bằng lòng ngay. Tấm sai người đào một cái hố, bảo con Cám tụt xuống rồi sai người đem nước sôi giội vào con Cám, con Cám chết còng queo dưới hố. Tấm đem xác con Cám làm mắm gửi cho dì ghẻ, nói là quà của con gái mụ gửi biếu. Mẹ con Cám tưởng là quà của con thật, lấy làm sung sướng, ngày nào mụ cũng giở mắm ra ăn, khen lấy khen để.
Một con quạ bén hơi, bay đến đậu trên nóc nhà, nhìn xuống kêu:
– Ngon gì mà ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng.
Mụ chửi bới quạ, xua đuổi con quạ bay đi. Đến ngày mắm gần hết, nhòm vào chĩnh, mụ mới nhìn thấy đầu lâu con mình…, uất lên, ngã vật xuống đất mà chết.”
Vấn đề về cái chết của mẹ con cô Cám như được kể lại trên đây, đã được Đinh Gia Khánh nêu lên thành ”vấn đề nên trừng phạt kẻ thù như thế nào” (Đinh Gia Khánh, 1968, tr. 97).
Về đoạn kết này có 3 vấn đề hay ho cần bàn đến.
Thứ nhất, vì sao Tấm lại ra tay tàn độc?
Để trả lời câu hỏi này đồng nghĩa với việc tìm ra động cơ xuống tay của Tấm – nhân vật vốn được cho là hiền lành, thục nữ. Tuy nhiên, nếu nhìn nhân vật Tấm dưới góc độ của tác giả dân gian, những người viết ra câu chuyện này thì chúng ta phải thấy nhân vật Tấm thực chất chỉ là một công cụ của tác giả để gửi gắm thông điệp “gieo gió gặt bão, ác giả ác báo.”
Trong nghiên cứu truyện cổ, có một khái niệm gọi là nhân vật chức năng. Những nhân vật này được lược bỏ lý trí và chỉ thể hiện chức năng của mình. Trong truyện Tấm Cám có 3 nhân vật chức năng như thế này: Tấm – chức năng người hiền, cô phải “ngu”, phải cả tin, phải sẵn sàng làm theo mưu chước của Cám để chết, để hồi sinh, và để thay trời hành đạo. Cám, mẹ ghẻ – chức năng người ác, phải ác đến tận cùng, mưu mô thủ đoạn, và cuối truyện phải ngây ngô, cả tin để bị chết để đền tội. Cuối cùng là nhà vua – chức năng phần thưởng, nhân vật này đóng vai trò phần thưởng của nhân vật hiền, làm động cơ cho cái ác nảy sinh, và lại một lần nữa làm phần thưởng cho vai chính khi cái ác đã bị diệt trừ.
Với những chức năng như vậy, việc Tấm xuống tay là chuyện hiển nhiên phải xảy ra. Có như vậy thông điệp câu chuyện mới được gửi gắm đầy đủ và nguyên vẹn. Tuy nhiên, lý luận này dẫn dến câu hỏi khác, gay gắt hơn.
Thứ hai, hành vi của Tấm có dã man tàn độc không?
Thành thật mà nói, lừa “dội nước sôi” cho chết, rồi “đem làm mắm” cho dì ghẻ ăn, nhất là chi tiết mẹ ăn (vô tình) thịt con, thật sự rất dã man. Tuy nhiên, lại một lần nữa chúng ta nhìn câu chuyện đưới con mắt hiện đại. Thật sự motif giết người bằng nước sôi, mẹ ăn thịt con không hề xa lạ trong kho tàng truyện cổ thế giới. Đặc biệt là những câu chuyện của những dân tộc Đông Nam Á.
Truyện Con Rùa của Myanmar kể về nhân vật Bé. Mẹ của Bé ngã xuống biển chết đuối hóa thành một con rùa lớn. Một lần Bé gặp một con rùa từ biển đi lên. Con rùa nhìn bé khóc. Bé tin chắc đó là mẹ mình nên ôm rùa vào lòng, hết mực yêu thương. Tuy nhiên, mẹ kế của cha cô ghen ghét với cô nên đem rùa đi làm thịt. Bé xin xương rùa, đem đi chôn; ở chỗ chôn xương rùa mọc lên một cái cây kỳ lạ “nặng trĩu quả vàng quả bạc”. Nhờ vật báu của người mẹ đã chết ấy ban tặng, Bé được vua biết đến và lấy làm vợ. Sau một loạt những thủ đoạn, con của dì ghẻ giả làm hoàng hậu và đuổi Bé ra ngoài. Bé đi kiện. Vua cho Bé một cây kiếm gỗ và hoàng hậu giả cây kiếm sắt và yêu cầu hai bên giao đấu. Tuy nhiên, cây kiếm sắt của hoàn hậu giả bỗng nhiên rơi xuống mềm nhũn, còn gươm gỗ của Bé lại biến thành gươm sắt bay ra chém đứt đầu đối phương. Vua sai làm thịt hoàng hậu giả, ướp muối đem biếu mụ dì ghẻ.
Truyện Ý Ưởi – Ý Noọng của người Thái ở Việt Nam kể rằng:
“Ý Noọng (tức Cám của người Việt) thấy Ý Ưởi (tức Tấm) vẫn sống trở về, người lại đẹp hơn xưa, liền hỏi:
– Làm sao mà chị trắng đẹp như vậy?
– Chị tắm nước sôi nên người đẹp ra em ạ.
Ý Noọng liền nấu nước sôi, nằm vào máng nhờ Ý Ưởi giội hộ. Ý Ưởi phủ rêu lên người Ý Noọng rồi đổ nước sôi vào. Ý Noọng chết không kêu được một tiếng.”
Và còn nhiều chuyện khác nữa, xem thêm ở phần trích nguồn.
Vậy có thể kết luận rằng motif cái chết bằng nước sôi và mẹ ăn thịt con, hay rộng hơn là ăn thịt người, ăn thịt đồng loại như một hình thức trừng phạt, răn đe những kẻ xấu, kẻ ác là chuyện hoàn toàn phổ biến trong bối cảnh cổ xưa.
Cái chết từ nước sôi bắt nguồn từ những tập tục của người cổ về cái chết tạm thời, sử dụng lửa, nước sôi như một nghi thức để diệt trừ cái cũ, cái xấu, và xây dựng một hướng tái sinh mới cho người chịu lễ. Vì thế, việc trừng phạt kẻ ác bằng cách dội nước sôi vừa là để trừng trị, vừa là để hóa kiếp cho họ tái sinh.
Còn việc ăn thịt đồng loại, đặc biệt là hình ảnh mẹ ăn thịt con bắt nguồn từ việc quan niệm người phụ nữ ngoại tộc là phù thủy, là kẻ ác. Ban đầu, con người ta sống theo chế độ mẫu hệ. Thời đó, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, sinh sản trở thành ưu tiên hàng đầu để tồn tại nên vai trò người phụ nữ được đề cao. Tuy nhiên, khi tìm ra lửa, biết trồng trọt, chăn nuôi, làm vũ khí, sức khỏe của người đàn ông trở thành vai trò quyết định. Phải có sức khỏe mới nuôi sống được cộng đồng. Từ đó, người đàn ông làm chủ gia đình. Và họ thường cưới thêm vợ về. Những người phụ nữ đến sau bị xem là người ngoài, là kẻ ngoại tộc, là phù thủy, là kẻ ác. Chính vì thế mới nảy sinh quan niệm mẹ ăn thịt con hay phù thủy ăn thịt trẻ con ở một số nền văn hóa khác.
Vậy hóa ra nền văn hóa Việt Nam cổ từ lăng kính Tấm Cám lại có nhiều nét tương đồng với những nền văn hóa ở Đông Nam Á. Từ kết luận này, chúng ta lại có câu hỏi tiếp theo.
Lẽ nào văn hóa Việt Nam cổ xưa cũng là loại văn hóa dã man như vậy?
Có thể. Thật ra vấn đề này hiện vẫn đang được tranh cãi rất gay gắt. Các bạn biết mà, những bí ẩn của quá khứ chỉ có thể phòng đoán dựa trên những dấu tích còn xót lại ngày nay. Một trong những nguồn tư liệu quý giá đó thì chính là những câu chuyện cổ tích.
Với hướng phân tích như vậy thì những chi tiết trong cái kết của Tấm Cám và những phân tích đằng sau cái kết đó đều dẫn về những tương đồng trong văn hóa và xã hội của các quốc gia Đông Nam Á. Thật ra đã có những nguồn giả thuyết cho rằng cội nguồn văn hóa Việt Nam xuất phát từ nền văn hóa Đông Nam Á. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn mù mờ và chưa có bằng chứng cụ thể.
Nếu thật sự là như thế thì văn hóa Việt cổ của chúng ta có bao gồm cả những hình thức man rợ như ăn thịt đồng loại. Thật ra, đó cũng không phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Trong Tấm Cám cũng đã nhắc đến chuyện ăn thịt đồng loại rất nhiều lần nhưng dưới những cách thể hiện bóng gió khác nhau như ăn thịt chim vàng anh, đốt khung cửi,…
Ngoài ra trong lịch sử cũng nổi tiếng với vụ Đỗ Thích sát hại vua Đinh Bộ Lĩnh, thái tử Đinh Liễn và cuối cùng bị Nguyễn Bặt tử hình bằng cách đập tan xương, xẻ thịt, đem cho dân ăn.
PGS. Nguyễn Thị Huế cũng khẳng định những chi tiết dã man trong đoạn kết của Tấm Cám bắt nguồn từ những hình thức trả thù man rợ của người cổ.
Thật sự chúng ta có tiếp thu cái nền văn hóa man rợ, ăn thịt người của văn hóa Đông Nam Á không? Hay chính nó là cái nôi, cái cội nguồn văn hóa của chúng ta? Vẫn còn phải nghiên cứu và tranh cãi rất nhiều mới tìm ra được câu trả lời. Cái đậm đà bản sắc dân tộc, nền văn hiến nghìn năm của chúng ta lẽ nào lại bắt nguồn từ một nền văn hóa man rợ như vậy? Cùng chia sẻ những hiểu biết và kiến thức của bạn cho Blog của Tân nhé.