“Thuận tay trái – chống lại thế giới” – Làm gì đến mức chống lại cả thế giới. Chỉ là chống lại cái phần thế giới đang thuận tay phải mà thôi! Nếu giọng văn có gì đó hơi lố là vì những ức chế dồn nén quá lâu, người đọc nên cảm thông và chia sẻ.
Vào một ngày bình thường, tôi quyết định viết về một điều rất đặc biệt, trước là để “phản đối” ba mẹ trong suốt những năm tháng nuôi dạy đã dùng đủ mọi cực hình, “tra tấn” dã man nhằm buộc tôi viết tay phải. Sau là phơi trần một góc nhỏ của những người thuận tay trái.
Ngày nhỏ
Tôi chưa đủ lý lẽ cũng như dẫn chứng để bảo vệ một phần con người mình. Tôi tin nếu người đồng tính có quyền được sống và hạnh phúc như những người bình thường thì những người thuận tay trái cũng có quyền được đối đãi công minh như những kẻ dùng tay phải. Nhưng ngày nhỏ, ngoài khóc và la ra, tôi không thể và không đủ khả năng để chống cự sự đàn ép của quý phụ huynh với những lý do vô cùng sắc bén:
– “Ai cũng viết được tay phải, nên con cũng phải tập viết cho được.” – Lời mẹ nói nhẹ nhàng luôn đi kèm một chồng tập viết cao từ mép bàn đến ngang mép tai.
– “Thuận tay phải sau này không làm bác sỹ được đâu con à!” – Theo như ba tôi nói thì dao, kéo mổ… được thiết kế cho người thuận tay phải. Nhưng sau này tôi lại học kinh tế. Ngang trái quá.
– Còn n lý do khác nữa từ cô chú, anh chị,…mà tôi không tiện đưa ra
Và ba mẹ tôi xem ra cũng đạt được một số thành tựu nhất định : tôi có thể viết và dùng kéo tay phải.
Còn tất cả những hoạt động khác: từ dùng đũa, quét nhà đến chà sàn, ngoáy mũi,… tôi đều dùng tay trái.
À, mém quên, công cuộc tập viết tay phải của tôi được đẩy nhanh tiến độ là nhờ vào sự hợp tác chân tình của quý thầy cô từ mầm non đến tiểu học. Tôi luôn được đặc cách ngồi ghế kế bên tường, bàn kê sát vách, quyết không cho tôi có cơ hội dùng tay trái để viết.
Đến lớn, tôi mới biết với cách dạy trên, bạn không những làm tổn thương tâm hồn con nít mà còn hạn chế sự phát triển về mặc trí tuệ của trẻ nhỏ.
Vì ttôi đây, giờ là nhà kinh tế nửa mùa và văn chương nửa vời
Ngày lớn
Đây mới là nguyên nhân chính khiến tôi động tay viết nên bi kịch đời người thuận tay trái. Số người viết tay trái không nhiều đâu, chỉ chiếm khoảng 1/10 dân số thế giới. Con gái thuận tay trái càng hiếm.
Người thuận tay trái tật nhiều: dễ mất tập trung, dễ bị bệnh khó đọc, khó học, tự kỷ. Nhưng bù lại, khả năng cảm quan thế giới của họ tốt, tính sáng tạo cao, giao tiếp vượt trội,… Đa số các vĩ nhân đều thuận tay trái, trải dài từ chính trị, khoa học đến nghệ thuật: Julius Caesar, Napoleon, Albert Einstein, Isaac Newton, Leonardo da Vinci, Charles Chaplin, Marilyn Monroe,…Vô số kể.
Người ta thường nói cái gì hiếm thì quý, tôi lại chưa bao giờ cảm nhận được đặc ân ấy. Bản thân người thuận tay trái đã là cái gai trong mắt người đời từ cổ chí kim. Trong tiếng Việt, chữ “phải” đồng nghĩa với “đúng”, “trúng”, “thuận”, “đồng ý”; còn chữ “trái” có nghĩa “sai”, “ngược ý”, “trật”.
Chữ tiếng Anh ambidexterity là “thuận cả hai tay” nhưng thật ra là lấy từ tiếng Latin có nghĩa là “hai bên đều là tay phải” (dexter có nghĩa là “phải”). Bất công đến thế là cùng!
Ở Việt Nam, vô nhà hàng thì tự giác đổi vị trí dao nĩa, đi ăn chơi theo đàn là phải biết nhìn phương, đón hướng lựa chỗ ngồi mà không cà khịa tay chân vào các bạn, ăn mà bị hung húc vào người sao mà thấy ngon, mà hết ngon tự nhiên mất vui, cẩn tắc vô ấy náy.
Chuyện trong nước đã thế. Xuất ngoại các bạn thuận tay trái nên suy nghĩ thấu đáo, kĩ càng trước khi quyết định đến các nước Hồi giáo để du lịch hoặc sinh sống. Nếu bạn chịu khó tập ăn cơm bằng tay phải thì không sao – nói chung luôn phải ở tâm thế nhường nhịn và sẵn sàng thay đổi.
Cách đây một năm tôi có dịp sang Thái sống gần hai tháng. Tình cờ hữu duyên lại ở chung với một bạn gái người Indonesia rất mộ đạo. Tính tôi khá thoáng, nên sinh hoạt vô tư, nửa đêm thấy đèn sáng trưng xoay qua thấy bạn mặc nguyên bộ y phục trắng toát lặng im cầu nguyện, tôi càng thích. Chúng tôi khá hợp nhau, chỉ có một điều bạn không thích ở tôi là… tôi ăn cơm, tôi dùng đũa, vọc muỗng bằng tay trái. Với bạn, đó là điều cấm kỵ, vì tay trái là bàn tay nhơ nhuốc, chỉ dùng để làm những việc bỉ bựa như dọn dẹp hay đi vệ sinh. Còn vào bữa, là chỉ dùng tay phải, bàn tay sạch sẽ để gắp thức ăn. Bạn nhìn tôi ăn mà lòng lúc nào cũng canh cánh, cứ ép tôi phải ăn bằng tay mặt cho được:
– Kimy, sao mày thích làm điều trái khoáy quá vậy?
– Tao ăn bằng muỗng, có ăn bằng tay đâu mày sợ tay trái bẩn.
– Vậy thì mày thử lấy tay phải để dùng muỗng đi, cái nào cũng là dùng tay mà.
– Vậy tối nay mày đừng cầu nguyện, để tao ngủ cho tròn giấc đi. Mày có đạo trong tim mà.
Mô phật, hên là tôi đang ở Thái, chứ nếu đang ở Indonesia, có khi là bạn sẽ cào mặt tôi vì cái tội báng bổ niềm tin của bạn. Uất ức quá, bạn gọi điện hẳn về nước tâm sự với mẹ về một con Việt Nam rõ rồ, suốt ngày cứ ăn bằng tay trái. Mẹ bạn chỉ thòng cho một câu mà làm tôi sốc đến tận bây giờ: “Tội nghiệp quá ha, chắc tay phải của cô ấy có “tật” hả? ”
Điếng tới tận tháng giêng vì một câu cửa miệng.
Ngày nay
Ở các nước như châu Âu, Mỹ người ta cũng đã bớt kì thị nhóm thiểu số dùng tay trái, thậm chí là khuyến khích vì cho rằng đây là nhóm nhân tố có gen lạ, sẽ tạo nhiều đột biến trong lĩnh vực cuộc sống, biết đâu lại có thêm một Albert Einstein nữa thì sao?
Nhưng đó là chuyện ở tận trời Tây, chứ trời Ta thì còn một nùi giới hạn. Chuyện sinh hoạt thường ngày như đánh răng, rửa mặt, nấu cơm, rửa chén,… thuận tay nào cũng được, chẳng ai quan tâm. Nhưng hễ dính đến việc viết chữ, thế nào các bậc phụ huynh cũng đắn đo: “ Đưa con vào khuôn khổ, hay để phát triển tự nhiên?”. Tạo hóa sinh ra có trai có gái, con người cũng có người thuận tay phải tay trái là hết sức tự nhiên. Nếu con cái mình viết hay vẽ đẹp, thì tay nào chả tốt.
Mà có khi phụ huynh thoáng nhưng phía nhà trường vẫn chưa thông. Vẫn dùng mọi nỗ lực để đàn áp các bé sao cho phải chấm bút bằng tay phải. Tôi tự hỏi Luật giáo dục có khoảng , mục nào quy định trẻ đi học nhất định phải viết bằng tay mặt, không được viết bằng tay trái đâu? Thế nên, vì một thế giới công bằng, người đồng- đa-dị tính có quyền được yêu, thì người thuận tay trái có quyền được phát triển bình thường, làm những việc bình thường với từng ngón tay mình thích.
Nói chứ vẫn phải cảm ơn ba mẹ, đã sinh ra tôi là 1/10 của thế giới, chưa chắc đặc biệt, nhưng hẳn là khác biệt!